Theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang, thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc áp dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Kiên Giang, trong quá trình thực hiện việc chỉ định thầu công trình xây dựng Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phải theo đúng các quy định của pháp luật.
Toàn cảnh dự án cảng hành khách quốc tế tại Phú Quốc.
Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc dự kiến được xây dựng tại thị trấn Dương Đông. Công suất thiết kế có thể tiếp nhận tàu chở 5.000-6.000 hành khách (trọng tải 225.000 GT), đồng thời kết hợp khai thác container hàng sạch. Cầu tàu được thiết kế cho phép tàu cập bến cả hai bên, dài 400 m, trong đó cầu chính dài 240 m, rộng 19 m. Một cầu dẫn được xây dựng từ bờ ra cầu tàu để đưa hành khách vào đảo dài 1.020 m.
Cảng hành khách được xây dựng nằm dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt từ trong đất liền chạy ra biển theo hướng Tây nên thuận tiện kết nối giao thông, tạo nên một điểm nhấn cho đô thị Dương Đông trong tương lai.
Dự báo, giai đoạn 2020, nhu cầu hành khách quốc tế tới Phú Quốc theo đường biển có thể lên tới 105.000 – 190.000 hành khách/năm; đến giai đoạn 2030 sẽ tăng lên 350.000 – 550.000 hành khách/năm. Việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết một bến cảng đạt tiêu chuẩn trực tiếp tiếp nhận tàu khách quốc tế tại Phú Quốc là rất cần thiết.
Do điều kiện thủy văn tại Phú Quốc không có đảo tự nhiên che chắn, nên phía tư vấn đề xuất phương án xây dựng đê chắn song dài 800 m theo hình chữ L, đỉnh đê rộng 6,6 m, ở phía trước, đảm bảo tàu cập bến quanh năm mà không ngại sóng gió. Ngoài ra, dự án còn xây dựng nhà ga hành khách 2 tầng với tổng diện tích gần 5.000 m2.
Dự án có tổng số vốn đầu tư là hơn 1.254 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất chia dự án thành hai giai đoạn. Giai đoạn một đầu tư đê chắn sóng. Giai đoạn 2 đầu tư thêm các hạng mục phụ trợ.